1. Trong nền văn học VN hiện đại, Kim Lân là một nhà văn
có nhiều đóng góp tích cực về thể loại truyện ngắn và đề tài nông dân. Mặc dù
trong hai giai đoạn sáng tác ông viết không nhiều tuy nhiên khi nhắc đến ông
người đọc không thể không nhớ đến các truyện ngắn như: Làng, Đứa con
người vợ lẽ, Vợ nhặt…. Trong đó có thể nói “Vợ nhặt”
là truyện ngắn đặc sắc. Qua câu chuyện Tràng tình cờ nhặt người đàn
bà về làm vợ trong hoàn cảnh XH đang diễn ra nạn đói khủng khiếp Kim Lân đã đặt
ra những vấn đề hết sức sâu sắc. Đó là giá trị nhân phẩm của con người và những
phẩm chất tích cực của những người lao động nghèo khổ trong hoàn cảnh XH tối
tăm.
2.
Tràng là một
thanh niên có thân phận và địa vị XH thấp kém. Anh có một ngoại hình
xâu, quê kệch với đôi mắt nhỏ tí và hai quai hàm bạnh ra. Anh lại mồ côi cha,
sống với bà mẹ già trong một ngôi nhà rúm ró, xiêu quẹo. Bản thân
anh cũng không có một nghề nghiệp vững chắc, ổn định. Hằng ngày anh gò lưng kéo
xe bò chở thóc mướn để kiếm miếng ăn nuôi thân và nuôi bà mẹ già. Anh lại thuộc
hạng dân ngụ cư, hạng dân lép vế nhât trong hệ thống làng xã VN trước kia.
Với thân phận và địa vị như thế theo lẽ thường cuộc đời Tràng rồi
sẽ tàn lụi trong cảnh cô đơn, bần cùng nói chi đến chuyện hạnh phúc lứa đôi.
Bởi lẽ không một người đàn bà nào lại dại dột gắn cả cuộc đời mình với một
người thanh niên như vậy. Thế nhưng trong diễn biến câu chuyện Tràng lại có vợ
hay nói đúng hơn là tình cờ nhặt được vợ không phải mất tiền tổ chức nghi lễ
cưới hỏi theo lẽ thường tình.
Tràng gặp người đàn bà ấy vỏn vẹn chỉ hai lần. Lần thứ nhất khi
kéo xe bò vào dốc tỉnh thấy mấy chị con gái đang ngồi vêu ra, Tràng cất giọng
hò chơi một câu cho đở mệt: “Muốn ăn cơm trắng với giò này! Lại đây mà
đẩy xe bò với anh ni”. Tràng không có chủ tâm chọc ghẹo cô nào nhưng
không ngờ một chị cong cớn hỏi lại Tràng: “Này, nhà tôi ơi nói thật hay
nói khoác đấy?” Rồi chị ta lon ton chạy lại giúp Tràng đẩy xe bò lên
dốc. Lần thứ hai khi Tràng đang ngồi uống nước ở cổng chợ tỉnh, người đàn
bà xuất hiện đột ngột trước mắt Tràng và mắng anh là “điêu”.
Ban đầu Tràng không nhận ra chị là ai khi người đàn bà gợi nhắc Tràng mới nhớ
ra. Và bất đắc dĩ Tràng phải mời chị ăn trầu nhưng chị không chịu ăn trầu mà
lại đòi ăn thứ khác. Tràng đành mời liều: “Muốn ăn gì thì ăn”.
Thế là chị xà xuống ăn một chập hết bốn bát bánh đúc mà chẳng nói năng gì. Chị
ăn xong Tràng ổm ờ nửa đùa nửa thật, tán tỉnh mà như nói chơi: “Này nói
đùa chớ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Nhưng
không ngờ người đàn bà đồng ý . Thế là Tràng và người đàn bà nên vợ nên chồng.
Tràng có vợ là việc
khác thường ngoài sức tưởng tượng của mọi người từ người dân xóm ngụ cư đến bà
cụ Tứ và cả chính bản thân Tràng. Càng khác thường hơn nửa vì sự kiện ấy diễn
ra trong cảnh nạn đói và nạn chết đói xảy ra khốc liệt. Bao gia đình ở Nam Định, Thái
Bình phải rời bỏ quê hương dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma và nằm
ngỗn ngang khắp lều chợ, người chết đói như ngã rạ. Không buổi sáng nào, người
trong làng đi chợ đi làm đồng không gặp ba, bốn cái thây nằm còng queo bên
đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Nạn
đói đã chẳng buông tha ai.
Trong hoàn cảnh nạn
đói và nạn chết đói đang hoành hành, một thanh niên có thân phận và địa vị xã
hội thấp kém như Tràng mà vẫn nhặt được vợ nhờ vài bát bánh đúc, sự kiện đó đã
làm nối bật lên chủ đề của tác phẩm đó là vấn đề nhân phẩm của con người trong
hoàn cảnh xã hội tối tăm. Chủ đề vừa nêu có ý nghĩa phê phán xã hội gây gắt.
“Vợ nhặt” không chỉ được viết
bằng cảm hứng tố cáo vạch tội các thế lực thống trị, tác phẩm còn toát lên tinh
thần nhân đạo sâu sắc thể hiện qua cái nhìn phát hiện và khẳng định những phẩm
chất tích cực của người lao động trong hoàn cảnh xã hội tối tăm.
Trước hết đó là khát vọng về hạnh
phúc đôi lứa của người lao động cùng khổ. Đọc lướt qua truyện chúng ta thấy
việc Tràng và người đàn bà về chung sống với nhau diễn ra hình như là hết sức
ngẫu nhiên tình cờ nhưng nếu ở cả hai con người khốn khổ ấy không tiềm ẩn nổi
khát khao về hạnh phúc lứa đôi thì chắc hẳn họ đã không nên vợ nên chồng và
cuộc gặp gỡ ấy có thể dẫn đến một cuộc mua bán đổi chát giữa kẻ có cái ăn
trong tay và một người đang đói khát. Chính khát vọng hạnh phúc đã khơi dậy ở
họ những tình cảm mới lạ.
Trên đường về nhà mặt Tràng có vẻ gì phớn phở khác thường, anh tủm tỉm cười nụ
một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Có lúc Tràng quên đi cuộc sống tối
tăm ê chề hằng ngày, quên cả cái đói đang đe doạ. Anh cảm thấy một cái gì mới
mẽ lạ lắm nó ôm ấp mênh mang khắp da thịt. Còn người đàn bà mặc dù chị có vẻ
khó chịu trước ánh mắt tò mò và những lời true chọc trong xóm ngự cư nhưng vẫn
không giấu được vẻ e thẹn.
Đặc biệt là sau đêm chung sống
với nhau. Tràng và người đàn bà như được lột xác biến thành hai con người khác
hẳn. Người đàn bà thì trông hiền hậu đúng mực còn Tràng thì cảm thấy một niềm
vui sướng phấn chấn tràng ngập trong lòng. Hơn nữa anh còn ý thức được rằng
mình là một người chồng, người chủ gia đình phải có trách nhiệm gánh vác.
Rõ ràng là đằng sau vẻ tình cờ ngẫu nhiên xoay quanh việc Tràng nhặt được vợ
thì chính khát vọng hạnh phúc lứa đôi đã thúc đẩy Tràng và người đàn bà đến với
nhau và nên vợ nên chồng bất chấp sự bần cùng và nạn đói đang đè nặng lên xã
hội.
Đáng
lưu ý hơn nữa dù sống trong cảnh tối tăm thê thảm nhưng người lao động vẫn thể
hiện một tấm lòng nhân hậu vị tha cao cả. Điều đó thể hiện tập trung qua
thái độ suy nghĩ của bà cụ Tứ đối với người đàn bà xa lạ mà Tràng nhặt về nhà
làm vợ.
Theo lẽ thường trong hoàn cảnh nạn đói đang đe doạ từng ngày, từng
giờ, bà cụ Tứ có đủ lí do ngăn cấm và xua đuổi người đàn bà kia. Bởi vì nếu bà
đồng ý cho người đàn bà về chung sống với con mình thì điều đó cũng có nghĩa là
rước về nhà thêm một miệng ăn, rước cái đói về nhà. Thế nhưng bà cụ Tứ lại
không làm như vậy. Trái lại, bà cụ còn cảm thông, tủi hổ cho chị và vui vẻ chấp
nhận chị làm con dâu: “Người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người
ta mới lấy đến con mình mà con mình mới có được vợ”. Không xua đuổi
hắt hủi một con người cùng đường khốn khổ mà còn xem như là một ân nhân, tấm
lòng nhân hậu vị tha của bà cụ Tứ thật là cao cả hiếm thấy.
Cùng với khát vọng hạnh phúc là khát vọng đổi đời, khát vọng vùng lên giành
lấy áo cơm, giành lấy sự sống, niềm tin vào tương lai của người lao động
nghèo khổ. Khát vọng chính đáng ấy được gợi mở khéo léo qua thái độ ngạc nhiên
của vợ Tràng khi nghe bà cụ Tứ nói đến chuyện đóng thuế. Đặc biệt là hình ảnh
đoàn người đi phá kho thóc và lá cờ đỏ bay phấp phới hiện ra trong suy nghĩ của
Tràng.
Truyện thành công với tình huống truyện độc đáo, tài năng thể hiện diễn biến
tâm lí nhân vật tinh tế và cách dùng ngôn ngữ lời ăn tiếng nói của người dân
lao động. “Vợ nhặt” được xem là một thành công lớn của nhà văn
Kim Lân.
“Vợ
nhặt” là truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân lấy đề tài về nạn đói
1945 nhưng truyện được sáng tác sau CM tháng Tám nên Kim Lân đã có một khoảng
thời gian cần thiết đề suy ngẫm nhìn nhận vấn đề và dụng công nghệ thuật. Nhờ
đó Kim Lân đã nêu lên được những vấn đề XH, con người một cách sâu sắc dựa
trên tình huống truyện độc đáo kết hợp với nghệ thuật kể chuyện linh hoạt
và ngòi bút miêu tả tinh tế.
GIÁ TRỊ HIỆN THỰC VÀ GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO TRONG "VỢ NHẶT"
---Hết---
0 Coimments:
Góp Ý- Liên Lạc || Về Tác Giả || Tài Sản